Lợi ích của phương pháp Play-Based Learning đối với sự phát triển của trẻ

Vui chơi là hoạt động không thể thiếu của trẻ, góp phần quan trọng trong việc xây dựng cảm xúc và giúp trẻ hình thành những nhân cách quan trọng trong quá trình trưởng thành. Khi việc vui chơi và học tập được đan xen kết hợp cùng nhau, trẻ sẽ có xu hướng phát triển những thái độ tích cực đối với việc học tập sau này, điều này mang lại cho trẻ một nền tảng vững chắc để hình thành năng lực và những kỹ năng quan trọng trong một thời đại không ngừng phát triển và đổi mới.
Chính vì vậy, phương pháp Play-Based Learning được ra đời như một xu thế mới, tạo hứng thú và động lực học tự giác cho trẻ một cách hiệu quả.
1. Lợi ích của phương pháp Play-Based Learning
- Phát triển ngôn ngữ và gia tăng vốn từ
Các nghiên cứu cho thấy rằng Play-Based Learning thúc đẩy khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trong giai đoạn giáo dục mầm non, vốn từ vựng của trẻ sẽ phát triển rất nhanh và việc học tập kết hợp cùng hoạt động vui chơi sẽ khuyến khích các cuộc trò chuyện của trẻ với các bạn một cách tự nhiên. Trẻ thường sẽ tự nói chuyện với chính mình trong khi chơi hoặc kể lại những món đồ chơi mà trẻ đang chơi cùng. Ngoài ra, khi chơi cùng bạn, trẻ sẽ tham gia vào các hình thức giao tiếp khác nhau, bao gồm kể chuyện, chia sẻ và phân chia. Ví dụ, khi chơi trò “lớp học”, trẻ sẽ quyết định ai là giáo viên và ai là học sinh.
Giáo viên có thể hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua các trò chơi bằng cách khuyến khích các cuộc trò chuyện, đặt câu hỏi và giới thiệu từ mới.
- Phát triển trí thông minh cảm xúc và kỹ năng xã hội
Phương pháp Play-Based Learning rất quan trọng đối với sự phát triển trí thông minh cảm xúc và các kỹ năng xã hội của trẻ, chẳng hạn như khả năng phát triển các mối quan hệ tích cực với bạn bè đồng trang lứa. Khi trẻ em chơi cùng nhau, các bé sẽ học cách hòa thuận với nhau, hợp tác, giao tiếp hiệu quả, giải quyết vấn đề và xử lý xung đột. Đây là những kỹ năng quan trọng cho cuộc sống sau này!
Hoạt động vui chơi cũng mang lại những hiệu quả tích cực đối với sự phát triển các kỹ năng cảm xúc. Khi chơi, trẻ học về sự đồng cảm, nhận biết cảm xúc của mình và cách điều chỉnh cảm xúc để phù hợp với môi trường xung quanh. Đặc biệt, “Play Therapy” (Trò chơi trị liệu) - một phương pháp trị liệu tâm lý dành cho trẻ em - được các nhà tâm lý học khuyến khích áp dụng như một cách giảm sự căng thẳng và là một phương pháp lành mạnh, an toàn để trẻ em vượt qua các yếu tố tâm lý gây căng thẳng.
- Phát triển khả năng sáng tạo và trí thông minh về hình ảnh
Vui chơi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ hình thành những suy nghĩ về các tình huống trong cuộc sống, dù là tưởng tượng hay có thật. Đây là lý do tại sao yếu tố tự tư duy và tự suy luận của phương pháp Play-Based Learning là rất quan trọng.
Một đứa trẻ có thể sử dụng bất cứ điều gì để khơi dậy trí tưởng tượng, ví dụ, một cây gậy trong vườn có thể là một thanh kiếm. Cho dù trẻ đang đóng giả làm lính cứu hỏa, bác sĩ hay giáo viên thì trẻ cũng đang được tự mình giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Điều này hỗ trợ các bé phát triển trở thành những người sáng tạo, năng động và có khả năng thích nghi với thế giới xung quanh.
- Phát triển sự tự tin và thái độ học tập tích cực
Một trong những lợi ích quan trọng nhất của Play-Based Learning là thúc đẩy sự tự tin. Sự tự tin giúp trẻ phát triển khả năng thử những điều mới và chấp nhận rủi ro. Bên cạnh đó, trẻ em sẽ được chọn cách chơi dễ dàng nắm bắt các kiến thức vì sự quan tâm và tập trung vào những gì đang được học. Phương pháp này cũng khuyến khích sự độc lập trong học tập của các bé, không dựa vào người lớn để biết được câu trả lời chính xác mà thay vào đó, trẻ tự quyết định và tìm hiểu vấn đề.
Trẻ nên được học theo tốc độ riêng để phát triển được thái độ học tập tích cực. Trong phương pháp này, trẻ sẽ không phải chịu áp lực về kết quả hay điểm số, mà quá trình là điều quan trọng và trẻ có thể tận hưởng việc học mà không bị căng thẳng.
- Phát triển trí thông minh cơ thể thông qua kỹ năng vận động
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hoạt động vui chơi giúp trẻ phát triển cả kỹ năng vận động tinh và vận động thô. Các hoạt động vui chơi như leo trèo, chạy và nhảy sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thô, thăng bằng và phối hợp tay mắt. Các kỹ năng vận động tinh được phát triển thông qua các hoạt động vui chơi như vẽ, tô màu, lắp ráp hoặc đóng kịch.
2. Phương pháp Play-Based Learning áp dụng trong thực tế như thế nào?
Để các chương trình học được xuất phát từ sự quan tâm và hứng thú của trẻ, môi trường học là một yếu tố rất quan trọng. Tất cả những trải nghiệm nên được dựa trên sự cân bằng giữa các ý tưởng của trẻ em và người lớn, sử dụng hài hòa môi trường bên trong và bên ngoài lớp học.
Từng khu vực chơi được sắp xếp logic để các em có thể tham gia vào nhiều khu vực khác nhau như khu nghệ thuật, văn học, xây dựng, khoa học và môi trường. Trong mỗi khu vực, trẻ cần được cung cấp nhiều nguyên vật liệu mở và có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng vì sẽ giúp trẻ tự khám phá được các mối quan tâm, yêu thích cùng với việc vận dụng và phát triển các kỹ năng mềm.
Một yếu tố quan trọng của chương trình Play-Based Learning trong thực tế đó là những cơ hội để trẻ có thể theo đuổi sự quan tâm và yêu thích trong những khoảng thời gian linh động. Không tính đến mức độ thường xuyên trẻ được tham gia vào các bài giảng đó như thế nào, nhưng yếu tố về không gian chơi và các trải nghiệm cung cấp cho trẻ trong một khoảng thời gian được kéo dài linh động là rất quan trọng. Điều này cho phép trẻ được tìm hiểu đầy đủ các nguyên vật liệu và nắm vững các kỹ năng mới thông qua việc thực hành lặp đi lặp lại.
Trong lúc hướng dẫn tương tác cùng trẻ, giáo viên sẽ sớm nhận biết được những trải nghiệm nào sẽ cần phải được thay đổi, mở rộng hoặc loại bỏ khỏi bài giảng. Khi trẻ tăng khả năng nhận thức, việc tạo nhiều cơ hội cho trẻ lựa chọn và chơi độc lập là vô cùng quan trọng. Đó là cơ hội trao quyền để trẻ được xây dựng cách học riêng của mình và kết nối với các bạn khác.