LittleVoices

Làm thế nào để đối diện với cơn bão cảm xúc từ con

Written by Ngoc Pham | 06:28:08 24-06-2021
Làm Cha, Mẹ chúng ta ai cũng từng vài lần đối mặt với cơn giận của Trẻ. Con có thể la hét, đạp phá đồ đạc, ăn vạ, nói những lời khó nghe. Những điều đó làm chúng ta rơi vào trạng thái vô cùng tuyệt vọng và đẩy lên trong lòng Cha, Mẹ và Thầy, Cô một cơn giận tương tự. Sự gặp nhau của 2 cơn giận sẽ làm cho vấn đề trở nên trầm trọng và dấu tích để lại là những tổn thương không dễ hàn gắn làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa chúng ta và Trẻ.

Có một lần tôi chứng kiến học sinh của mình nổi cơn tam bành vì không tìm thấy chú Gấu bông của mình ở chỗ cũ. Bé đã la hét rất nhiều và liên tục nói những lời làm tổn thương Mẹ sâu sắc " Con gét mẹ". Cùng lúc đó, Mẹ của cậu bé cũng gửi lại những tín hiệu ra lệnh cho Con dừng hành vi " Mẹ cấm con; Ngậm miệng lại..."

Thực sự cơn giận đã cuốn bay mối quan hệ của Mẹ - Con và đẩy 2 người vào 1 cuộc chiến tranh giành quyền lực. Kết thúc cơn bão cảm xúc này là những giọt nước mắt lăn dài trên má của 2 mẹ con.

Vậy chúng ta nên làm gì để đối mặt với cơn giận của Con?

Tôi tạm thời gọi đây là: NHỮNG BƯỚC CHÂN HẠNH PHÚC

Bước chân đầu tiên: Đặt nền móng cho việc bạn có thể thám hiểm được vào vùng cảm xúc của trẻ hay không đó chính là SỰ GHI NHẬN.

Hãy cho Con thấy rằng bạn hoàn toàn đang hiện diện ở đây và nhận biết được cảm giác của trẻ lúc này hoặc cao hơn nữa là sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ cảm xúc cùng Con. Hãy sử dụng những câu nói mang tính chất ghi nhận, bắt đầu bằng ngôi thứ Nhất.

- Mẹ biết rằng Con đang rất giận....

- Mẹ hiểu rằng Con đang cảm thấy khó chịu...

- Mẹ thấy rằng Con đang tức giận vì.....

- Mẹ nhìn thấy cơn tức giận đang trào lên trong Con...

Với những mẫu câu này bạn cho trẻ thấy rằng bạn đang nhìn thấy và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Việc sử dụng từ ngữ như vậy giúp Trẻ bình tĩnh lại để nhìn sâu hơn vào nội tâm của mình. Nó giúp Con lùi 1 bước xa khỏi cơn tam bành. Việc bạn thường xuyên sử dụng từ ngữ mang tính ghi nhận còn giúp Trẻ của bạn làm quen với thói quen bộc lộ ra bằng lời nói cảm xúc của mình thay vì dùng hành vi không đúng mực.

Bước chân thứ 2: ĐỒNG CẢM

Với kỹ thuật này, bạn sẽ cũng cấp cho trẻ 1 đồng minh để Con có thể chống đỡ laị cơn bão tố cảm xúc đang dần lớn lên trong lòng. Hãy ngồi xuống thật nhẹ nhàng bên trẻ, nắm lại đôi tay của Con và trao cho con 1 ánh nhìn đầy tình yêu và sự kiên định. Hoặc đơn giản là 1 cái ôm thật chặt, đôi bàn tay xoa thật nhẹ lên lưng của trẻ. Những động tác tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp Trẻ của bạn thả lỏng cơ thể và thoát ra khỏi trạng thái căng cứng do cơn giận đưa tới. Hãy chú ý tới đôi bàn tay của Con bởi ở đó nắm giữ chìa khóa của Cơn bão cảm xúc. Khi con dần thả lỏng các ngón tay và duỗi thẳng chúng là lúc cơn giận đang dần qua đi và bạn có thể cùng con bước tiếp những bước chân hạnh phúc.

Bước chân thứ ba: SẴN SÀNG CHIA SẺ

Bạn hãy cho trẻ thấy rằng “Mẹ đang ở đây cùng Con” và “Mẹ sẵn sàng chia sẻ cảm xúc này”. Hãy thể hiện thiện chí được san sẻ gánh nặng cảm xúc này với Con. Hãy dùng một số câu mẫu sau:

- Mẹ có thể làm gì để giúp Con được nhỉ?

- Mẹ nghĩ rằng mình đang sẵn sàng để được giúp con đấy.

- Con biết là Mẹ đang muốn giúp Con mà.

- Mẹ hiểu rằng Con cần được giúp đỡ.

- Mẹ cảm thấy Con đang rất giận và Mẹ muốn được cùng Con vượt qua.

Hãy tránh việc sử dụng những câu mang tính chất ra lệnh, những câu mang gợi ý đóng như:

- Mẹ có thể giúp con được không?

- Mẹ không thích thế.

- Con im đi.

Những câu nói này chỉ đổ thêm dầu vào lửa, làm cho cả trẻ và bạn bực mình thêm mà thôi.

Bước chân thứ 4: TÌM GIẢI PHÁP

Đây là 1 động thái nhằm giúp Cha, Mẹ và Thầy, Cô tìm ra nguyên nhân của nguồn cơn giận giữ nơi trẻ và hướng Con tới những cách giải tỏa hợp lý - hiệu quả.

Trong 1 buổi họp phụ huynh tôi đã được chia sẻ 1 câu truyện:

Ngày hôm nay An sẽ cùng đi tới buổi họp lớp của Bố, Mẹ. Cậu là 1 em bé Hướng nội và không thích việc tụ tập đông người, điều đó làm cho An cảm thấy rất mệt mỏi và dễ cáu kỉnh. Như mọi lần, hội họp luôn là ác mộng đối với cả nhà An. Khi tới giữ bữa tiệc, mọi người chúc tụng nhau - những câu truyện ồn ào ôn lại kỷ niệm cũ - tiếng ly chạm nhau - tiếng cười đùa của người lớn....tất cả những thứ ấy làm thổi bùng lên cơn bão cảm xúc của An. Cậu bé ôm đầu, bịt tai và la hét rất lớn thậm chí còn lăn ra sàn và liên tục ăn vạ. Ngay lúc này Mẹ đã ôm An thật chặt và nói “Mẹ biết là Cơn bão giận dữ trong Con lại nổi lên rồi nhỉ. Mẹ đang ở đây để giúp Con đấy”.

Cái ôm của Mẹ đã không những an ủi được An mà còn tránh cho cậu bé gây ra những hành vi khác (Đập phá , giãy dụa..). Sau khi cơn giận tạm thời lắng lại Mẹ của cậu đã rất khéo léo để cùng con tìm ra giải pháp cho vấn đề “Có vẻ ở đây hơi ồn với Con đúng không? Vậy theo Con mình có thể làm gì đây?”

“Hãy cho Con ra ngoài 1 lát” cậu bé nhanh chóng đáp lại.

“Ở trên chiếc ghế trong góc kia ư?”

“Vâng, với những cuốn truyện.”

Vậy là cơn giận của An nhanh chóng được giải quyết với 1 không gian riêng tư cho mình. Mọi chuyện trở nên vui vẻ và dễ dàng hơn.

Chúng ta thường mắc sai lầm là áp đặt ngay cách của chúng ta cho trẻ. Như bắt trẻ nín khóc, bắt trẻ ngồi im, bắt trẻ đi ra ngoài...đây không phải là giải pháp hay và nó chỉ thổi bùng thêm cơn tức giận của Con và Cha mẹ mà thôi.

Hãy cùng với trẻ nghĩ ra 1 cách giải quyết theo nguyên tắc Win - Win (Hai bên cùng có lợi) với 1 số mẫu câu sau:

- Con có thể nói cho Mẹ biết cơn giận này từ đâu tới vậy?

- Mẹ rất muốn biết vì sao con lại tức giận thế?

- Điều gì đã làm con tức giận như vậy?

- Con có điều gì muốn nói với Mẹ vậy?

- Con hãy nghĩ xem mình có thể làm gì lúc này?

- Theo Con, mình có thể làm gì bây giờ?

- Mẹ muốn nghe Con nói. Con muốn làm gì?

Trẻ em luôn dự trù cho mình vô cùng nhiều cách giải quyết cơn giận, chẳng qua là chúng không có cơ hội để bộc lộ điều đó ra.

Lưu ý: Tất cả những lời nói của cha mẹ, thầy cô chỉ nên nói khi trẻ đã đi qua được đỉnh của cơn giận tức là chấm dứt hành vi la hét - đạp phá. Việc nói nhiều - nói không đúng lúc chỉ làm phản tác dụng của phương pháp.

9 cách giải tỏa ngay lập tức cơn giận của trẻ (TS. Mary Sheedy Kurcinka)

- Thiết lập giờ nghỉ dưỡng sức

- Water Play

- Sử dụng Trí tưởng tượng

- Hoạt động đa giác quan

- Vận động thể chất

- Đọc sách

- Hít thở sâu

- Các câu truyện/tình huống hài hước

- Góc bình yên (Time out)

Nguồn bài viết: https://www.heary.edu.vn/post/làm-thế-nào-để-đối-diện-với-cơn-bão-cảm-xúc-từ-con

Phần mềm Quản lý Trường học và Tương tác với phụ huynh LittleLives

LittleLives là công ty cung cấp phần mềm quản lý trường học được công nhận bởi Bộ giáo dục Singapore, Vụ giáo dục mầm non Singapore và được Hội giáo dục mầm non Singapore xếp hạng phần mềm số 1 giúp các giáo viên và nhà trường theo dõi sức khoẻ và quá trình học tập của trẻ. LittleLives có sự hiện diện mạnh mẽ tại hơn 1500 trường học tại Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Canada, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Brunei và Indonesia.