Tiếng Việt

Những khó khăn và hướng giải quyết trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt tại trường học

Vừa qua, Phần mềm quản lý trường học và tương tác với phụ huynh LittleLives Singapore đã tổ chức buổi tọa đàm "Phát triển chương trình Giáo dục cá nhân trong Giáo dục đặc biệt tại trường học". Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tiến đã chia sẻ những khó khăn và hướng giải quyết trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt tại trường học

Những khó khăn khi chăm sóc và giáo dục trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt tại trường học

1. Cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất tại trường mầm non chỉ đạt tiêu chuẩn để chăm sóc, giảng dạy cho các bé phát triển đúng độ tuổi. Chính vì vậy, trường mầm non thường không có đầy đủ cơ sở vật chất, phòng tập trị liệu để chăm sóc trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. 

Ngoài ra, không gian trường học, vấn đề thực phẩm cũng cần được điều chỉnh trong quá trình chăm sóc trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

2. Đội ngũ giáo viên

 

portrait-beautiful-young-girls-playgroundMột giáo viên dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt ngoài việc cần trang bị rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn thì thầy cô cũng cần sự kiên trì trong quá trình đồng hành cùng các con. Vấn đề an toàn của trẻ vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt. Nhiệm vụ của giáo viên là kiểm soát, lường trước và chuẩn bị trước các tình huống nguy hiểm đó.

Giáo dục và chăm sóc trẻ đặc biệt trước hết là hiểu và chơi cùng trẻ. Tiếp theo đó, giáo viên cần dành thời gian để học hỏi, cập nhật kiến thức, nhằm mục đích cải thiện phương pháp tiếp cận, phương pháp dạy học của mình. 

Đội ngũ giáo viên còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng để hỗ trợ nhà trường xác định tình trạng của trẻ, liệu trường có đủ khả năng để chăm sóc trẻ có nhu cầu đặc biệt tại trường mầm non hay không. Việc giúp trẻ hòa nhập cần sự phối hợp giữa gia đình, giáo viên và nhà trường.

3. Kiến thức chăm sóc trẻ có nhu cầu đặc biệt

Với từng trường hợp chăm sóc trẻ có nhu cầu đặc biệt, tình trạng sức khỏe của trẻ cũng có sự khác nhau. Rất nhiều trẻ có nhu cầu đặc biệt gặp phải vấn đề về vị giác, gặp khó khăn trong việc ăn uống, không có nhu cầu ăn và do đó, trẻ có xu hướng chống đối. Đặc biệt đối với trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý thì hành vi chống đối sẽ diễn ra rất mạnh. 

Ngoài ra, một trong những khó khăn mà trường học tiếp nhận trẻ có nhu cầu đặc biệt là hoạt động đánh giá và theo dõi.

4. Sự hợp tác của phụ huynh

close-up-cute-kid-drawing-table

Liên quan đến vấn đề này, có 3 nhóm đối tượng phụ huynh: 

  • Phụ huynh không phát hiện ra trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt
  • Phụ huynh biết được con có nhu cầu giáo dục đặc biệt nhưng vẫn có nhu cầu để trẻ học tại các lớp học mầm non thông thường. Với các hành vi không đúng và gây ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp, giáo viên gặp phải rất nhiều khó khăn khi không nhận được sự hợp tác, và ủng hộ từ phụ huynh.
  • Phụ huynh hiểu con và hợp tác cùng giáo viên, nhà trường trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ trẻ

Hướng giải quyết khi trường mầm non chăm sóc và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt

group-diverse-kids-playing-field-together

Hiểu được tâm lý trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt

Việc tiếp xúc với người lạ thường gây cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt cảm giác căng thẳng (đối với trẻ tự kỷ) hoặc hiếu động quá mức (đối với trẻ tăng động giảm chú ý) gây cản trở cho thầy cô giáo trong việc chăm sóc các bạn nhỏ khác. Tâm lý chung của trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt thường rất dễ gặp khủng hoảng, thiếu kiềm chế cảm xúc so với trẻ khác. Hiểu tâm lý của trẻ là điều kiện tiên quyết đề giáo viên tìm ra giải pháp xử lý và can thiệp trước khi hành động khủng hoảng xảy ra.

An toàn trường học

An toàn trường học là yếu tố đặt lên hàng đầu cho trường học, đặc biệt là trường học dành cho trẻ có giáo dục đặc biệt. Đôi khi, trẻ có nhu cầu đặc biệt thường có những hành động chống đối hoặc gây ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân hay các bạn xung quanh. Do vậy, nhà trường cần lên kế hoạch, đưa ra các giải pháp cụ thể về cơ sở vật chất, đồ dùng trong lớp học trường học để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Chăm sóc và giáo dục 

Trường mầm non cần thực hiện các đánh giá cụ thể để xác định các trường hợp trẻ có nhu cầu đặc biệt có phù hợp theo học tại trường không, có ảnh hưởng đến chương trình chung của nhà trường không. 

Giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt cần một chương trình, kế hoạch cá nhân, phù hợp với trẻ, có sự phối hợp giữa các nhà chuyên môn, giáo viên, phụ huynh và bác sĩ trị liệu nếu cần thiết. Mọi phương án mà nhà trường lựa chọn cần đảm bảo trẻ có sự phát triển, tiến bộ.

children-play-with-toy-designer-floor-children-s-room-two-kids-playing-with-colorful-blocks-kindergarten-educational-games

Một số câu hỏi được chia sẻ trong tọa đàm:

Sử dụng giáo cụ Montessori trong giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt có phù hợp không?

Nguồn gốc của phương pháp Montessori là dành cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Chính vì vậy, các giáo cụ Montessori tại trường mầm non cũng có thể sử dụng cho trẻ.

Với những trẻ không ăn cơm mà chỉ ăn đồ ăn vặt, giáo viên cần xử lý như thế nào?

Với trường hợp này, cần có giáo viên có chuyên môn để đánh giá trẻ đang gặp phải vấn đề rối loạn ở mức nào. Đối với những trẻ gặp phải rối loạn vị giác, cảm giác, sẽ có những món mà trẻ sẽ khó ăn, sợ ăn hoặc thậm chí không thể ăn. Do vậy, việc phối hợp cùng gia đình là vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng của con. Ngoài ra, với những trẻ gặp phải tình trạng nghiêm trọng, phụ huynh có thể chuẩn bị đồ ăn để trẻ mang đến trường theo đúng nhu cầu, sở thích của trẻ. Để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ, nhà trường và phụ huynh có thể ký các cam kết trách nhiệm khi phụ huynh tự chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

Phương pháp giáo dục nào là ưu việt dành cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt

Để giáo dục trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt, mọi phương pháp đều ưu việt khi phương pháp đó phù hợp với trẻ. Với mỗi một trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt, thế giới của trẻ sẽ vô cùng riêng biệt. 

Một trong những phương pháp giáo dục trẻ đặc biệt phù hợp để triển khai tại trường mầm non là phương pháp Floortime (Phương pháp giáo dục Thời gian dưới sàn).

Mô hình này còn có tên gọi khác là Mô hình phát triển dựa trên khác biệt cá nhân và dựa trên các mối quan hệ (DIR). DIR tận dụng những trải nghiệm tương tác theo dẫn dắt của trẻ, như là một hoạt động trị liệu. Trị liệu Thời gian dưới sàn được tiến hành trong một môi trường ít kích thích với thời gian tương tác khoảng 2 tới 5 giờ mỗi ngày

DIR/Floortime liên quan tới khái niệm “trị liệu chơi”, trong đó hoạt động yêu thích của trẻ (chơi) được sử dụng để phát triển các kĩ năng xã hội tích cực khác. Bằng cách làm theo dẫn dắt của trẻ, người trị liệu hoặc cha mẹ sẽ mở rộng từ những gì trẻ làm được để khuyến khích trẻ có thêm tương tác. Mô hình giáo dục của Greenspan được coi là nhân thêm cả số lượng và cường độ tương tác giữa trẻ và người lớn.

Sự tương tác giữa trẻ và người trị liệu sẽ tiến triển theo trình tự phát triển và được tin là sẽ dẫn tới phát triển cảm xúc của trẻ. Greenspan đã miêu tả 6 giai đoạn (hay mốc) phát triển cảm xúc mà trẻ đạt được để phát triển một nền tảng cho việc học lên cao hơn.

Theo Greenspan, 6 mốc này là:

  • Đồng thời vừa chú ý đến cảnh tượng,  âm thanh, và cảm giác từ thế giới xung quanh và vừa kiềm chế được bản thân.
  • Tham gia vào các mối quan hệ với mọi người.
  • Tham gia vào giao tiếp hai chiều bằng cử chỉ
  • Tạo ra những cử chỉ phức tạp và xâu chuỗi một loạt hành động thành trải nghiệm giải quyết vấn đề kỹ lưỡng và có chủ đích
  • Tạo ra ý tưởng.
  • Kết nối các ý tưởng để chúng trở nên logic và có cơ sở thực tế

Greenspan tổng kết lý thuyết cho rằng áp dụng Floortime, cha mẹ và giáo viên có thể giúp trẻ tiến dần qua những mốc phát triển này. Floortime tập trung vào phát triển cảm xúc của trẻ tự kỷ chứ không phải phát triển nhận thức. Nó không tác động cụ thể tới các vấn đề như phát triển ngôn ngữ hay vận động, như các phương pháp trị liệu truyền thống khác.

Floortime thường được sử dụng trong giờ chơi hàng ngày kết hợp với các phương pháp khác như ABA. Một điều quan trọng cần lưu ý là kết quả của những trẻ được can thiệp bằng mô hình giáo dục này chưa qua đủ các kiểm chứng khoa học.  Vì thế, không thể đưa ra nhận định nào về tính hiệu quả của phương pháp này.

Nguồn thông tin tham khảo: ​​https://snep.saigonchildren.com/2021/01/11/mo-hinh-giao-duc-thoi-gian-duoi-san-floortime-la-gi/ 

japanese-family-playing-with-toys-floor-design-space-banner

Đối với các trường mầm non nhận trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt, nhà trường cần xác định những hoạt động này mà trẻ có thể tham gia cùng các bạn khác. Chính vì vậy, giáo viên cần lên một chương trình cụ thể nhằm khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động chung và có phương án cho trẻ khi các bạn khác tham gia các hoạt động của lớp.

Triển khai chương trình giáo dục dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại trường mầm non tuy gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm, trường học hoàn toàn có thể xây dựng các phương pháp, chương trình học hỗ trợ sự phát triển của trẻ.